Tính thanh khoản là một thuật ngữ thường được nhắc đến trong giới tài chính nói chung và đầu tư chứng khoán nói riêng, là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành công của chiến lược đầu tư. Cũng vì lý do này mà tính thanh khoản là điều mà các nhà đầu tư chứng khoán rất quan tâm. Việc xem xét khả năng thanh khoản của chứng khoán trước khi đưa ra quyết định đầu tư sẽ giúp bạn xây dựng cơ chế phân bổ nguồn vốn một các hợp lý, từ đó giảm thiểu rủi ro đầu tư chứng khoán và đạt được khoản sinh lời hấp dẫn. Để hiểu rõ hơn tính thanh khoản của chứng khoán là gì, có vai trò quan trọng thế nào và có những đặc điểm ra sao, mời bạn đọc cùng theo dõi ngay sau đây.
Mục Lục
Khái niệm tính thanh khoản
Tính thanh khoản (còn gọi là tính lỏng hay tính lưu động) là khái niệm chỉ khả năng mua vào hoặc bán ra của một sản phẩm/tài sản mà không bị ảnh hưởng bởi giá cả thị trường. Tính thanh khoản của chứng khoán là khả năng chuyển đổi từ tiền mặt thành chứng khoán và ngược lại. Hiểu đơn giản, tính thanh khoản chính là khả năng chuyển đổi thành tiền mặt của một sản phẩm/tài sản.
Tính thanh khoản thể hiện sự linh hoạt và an toàn của một tài sản hay thị trường. Tài sản ngắn hạn hay lưu động có tính thanh khoản cao khi giá của nó ít bị biến động trên thị trường. Thị trường có tính thanh khoản cao là thị trường hoạt động năng động và hiệu quả.
Trong giới kinh doanh có các loại tài sản được sắp xếp theo tính thanh khoản giảm dần. Cụ thể như sau: tiền mặt, đầu tư ngắn hạn, khoản phải thu, ứng trước ngắn hạn, và hàng tồn kho. Trong đó, tiền mặt có tính thanh khoản cao nhất. Tiền mặt luôn được dùng để thanh toán trực tiếp, giao dịch và tích trữ. Còn hàng tồn kho có tính thanh khoản thấp nhất. Vì đây là sản phẩm đã trải qua giai đoạn phân phối tiêu thụ rồi bị thu hồi. Sau một thời gian từ khoản thu mới chuyển đổi thành tiền mặt.
Đặc điểm tính thanh khoản của chứng khoán
Theo giới chuyên gia, chứng khoán lưu động là những chứng khoán có sẵn trên thị trường. Thế nên, việc mua đi bán lại chứng khoán này rất dễ dàng, ổn định. Những loại chứng khoán này có khả năng hồi phục số vốn đầu tư ban đầu của doanh nghiệp rất cao. Tính lỏng của chứng khoán cho phép các doanh nghiệp chuyển đổi chúng thành tiền mặt khi cần thiết. Do vậy, trên sàn giao dịch, giới đầu tư đặc biệt quan tâm đến cái gọi là tính thanh khoản của chứng khoán.
Ngoài ra, đặc tính này cũng cho thấy môi trường an toàn của nguồn vốn đầu tư. Tính lưu động của chứng khoán càng cao, chứng tỏ thị trường càng năng động. Do vậy đặc tính này được coi là công cụ đặc biệt thu hút nhà đầu tư của doanh nghiệp.
Rủi ro thanh khoản trong đầu tư chứng khoán
Thông thường, các nhà đầu tư và ngân hàng không chỉ quan tâm tới tính lỏng chứng khoán. Họ còn cân nhắc khả năng bán lại chúng trước khi đáo hạn để thu hồi vốn. Nếu khó tìm được người mua hoặc phải bán mất giá, tức là chứng khoán có khả năng tái tạo kém. Khi đó nhà đầu tư hoặc ngân hàng sẽ phải chịu tổn thất tài chính nặng nề.
Thực tế một doanh nghiệp nắm trong tay rất nhiều chứng khoán nhưng không thể bán ra. Dù doanh nghiệp chủ động đề nghị bán bằng mức giá sàn nhưng vẫn không có người mua. Thế nên, họ chỉ có thể chịu thua lỗ từng ngày. Đây chính là rủi ro thanh khoản trong đầu tư chứng khoán.
Tính lưu động của chứng khoán có mối liên hệ chặt chẽ với chỉ số P/E. Cổ phiếu có tính thanh khoản cao, được mua bán sôi động thì cũng có chỉ số P/E cao. Điều này có nghĩa những cổ phiếu đó được đánh giá cao. Đồng thời, chúng được chú ý nhiều hơn các cổ phiếu có cùng lợi tức. Nó dự báo những chứng khoán này sẽ tăng giá mạnh và đem lại giá trị thặng dư cao. Khi tiến hành tách cổ phiếu hoặc phát hành cổ phiếu mới, chứng khoán này sẽ mang lại giá trị thặng dư cao cho cổ đông.
Những yếu tố tác động đến tính thanh khoản
Tính thanh khoản có tính chất quyết định “số mệnh” chứng khoán của một doanh nghiệp. Vì vậy có nhiều yếu tố ảnh hưởng tích cực và tiêu cực đến chúng. Cụ thể như sau:
Những con số tài chính của doanh nghiệp
Đầu tiên, những con số tài chính thường cho biết hoạt động sản xuất – kinh doanh có ổn định và phát triển hay không. Tính lưu động của chứng khoán cũng thể hiện điều này. Doanh nghiệp lớn uy tín, làm ăn tốt sẽ có tính thanh khoản cao. Ngược lại, những doanh nghiệp có tình hình kinh doanh không tốt, tính thanh khoản cũng thấp. Do đó, kết quả kinh doanh và tình hình tài chính của doanh nghiệp sẽ có tác động đáng kể đến tính thanh khoản.
Chính sách của Nhà nước
Tiếp đến, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đều tuân theo và chịu tác động từ chính sách – quy định của Nhà nước và các cơ quan quản lý. Do đó, tính thanh khoản cũng không nằm ngoài sự tác động này.
Ví dụ năm 2007, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành chỉ số 03 về khống chế dư nợ vốn cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá… cho khách hàng đầu tư, kinh doanh chứng khoán của Tổ chức tín dụng ở mức dưới 3% đã trở thành cú sốc với thị trường chứng khoán. Thời điểm ban hành Chỉ thị này, thị trường chứng khoán lao dốc, hàng loạt mã chứng khoán giảm mạnh. Thế nhưng, nhà đầu tư lại không có nguồn tiền hỗ trợ từ ngân hàng. Chính vì thế mà họ không thể mua vào chứng khoán.
Các nhà đầu tư nước ngoài
Yếu tố thứ ba ảnh hưởng đến tính thanh khoản chứng khoán trong nước hiện nay là đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Pháp luật Việt Nam quy định cho phép nhà đầu tư nước ngoài được mua 30% cổ phiếu của doanh nghiệp trong nước (đối với tổ chức tín dụng) đã niêm yết và được mua 49% cổ phiếu của doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề khác đã niêm yết.
Quy định này khiến giới đầu tư nước ngoài dù mạnh tay cũng không được phép mua hết cổ phiếu trong tầm ngắm. Họ buộc phải lựa chọn loại cổ phiếu phù hợp nhất, hữu ích nhất. Điều này đồng nghĩa cơ hội cho doanh nghiệp trong nước tiếp cận với giới đầu tư ngoại quốc bị hạn chế hơn.
Thị trường tiêu dùng trong nước
Một yếu tố khách quan khác cũng gây ra ảnh hưởng tiêu cực là tình hình tiêu dùng trong nước. Nếu chỉ số giá tiêu dùng tăng cao tức là người dân đang chi tiêu nhiều hơn. Điều này cũng có nghĩa là nhu cầu tiêu dùng của họ tăng cao. Do đó, số tiền người dân dành cho việc đầu tư chứng khoán sẽ ít đi.
Tâm lý của nhà đầu tư
Yếu tố cuối cùng ảnh hưởng tới tính thanh khoản là tâm lý của các nhà đầu tư. Việc mua bán trên thị trường phụ thuộc nhiều vào thời điểm và nhu cầu của nhà đầu tư. Khi thị trường đang khởi sắc thì nhà đầu tư cũng hứng thú chi tiền mua bán hơn. Còn khi thị trường đang giảm điểm, chắc chắn nhà đầu tư sẽ có tâm lý hoang mang, dè dặt. Điều này đồng nghĩa với việc họ phải có những tính toán cẩn trọng hơn. Thời điểm thị trường đi xuống là lúc nhu cầu mua vào sẽ tăng cao. Thế nhưng đồng thời lúc này nhà đầu tư cũng lo ngại tính thanh khoản thị trường thấp.
Trên thị trường, các loại sản phẩm đều có mối quan hệ liên thông với nhau. Trong số đó, điển hình phải kể đến như vàng, bất động sản hay bảo hiểm… Mỗi khi thị trường có dấu hiệu biến động đều ảnh hưởng toàn diện đến thị trường chứng khoán. Do đó, nhà đầu tư sẽ tìm cách phân bổ nguồn vốn vào các lĩnh vực khác nhau. Đây là cách để tránh rủi ro chứng khoán, phòng ngừa khả năng không bán lại được, hoặc bị mất giá khi bán.
Trên đây là một số thông tin hữu ích về tính thanh khoản trong đầu tư chứng khoán. Qua bài viết trên, hy vọng bạn có thêm những kiến thức hữu ích trong giao dịch đầu tư. Chúc các bạn giao dịch thành công!