Xã hội ngày càng phát triển thì càng có nhiều chính sách mang tính nhân văn ra đời. Ngày xưa thì các vấn đề về người lao động là một trong những vấn đề nhức nhối trong xã hội vì có nhiều chính sách hà khắc, áp bức. Thế nhưng ngày nay, những chính sách hỗ trợ cho người lao động ngày một nhiều đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Trong đó có thể kể đến chính sách hỗ trợ tiền thất nghiệp từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Đây được xem là một chính sách rất nhân văn và thể hiện sự quan tâm sâu sắc của nhà nước đối với những đối tượng thất nghiệp. Sau đây hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về những thứ cần chuẩn bị để người lao động có thể nhận tiền hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Mục Lục
Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là gì?
Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là một quỹ tài chính độc lập tập trung nằm ngoài ngân sách nhà nước nhằm thực hiện mục đích của bảo hiểm thất nghiệp. Quỹ được hình thành chủ yếu từ ba nguồn: Người lao động, người sử dụng lao động và ngân sách nhà nước hỗ trợ.
Vai trò của quỹ bảo hiểm thất nghiệp
Từ những nguồn thu như trên, vai trò, ý nghĩa của BHTN rất lớn. Cụ thể, quỹ BHTN sử dụng để chi trả những khoản chi như sau:
– Chi trả trợ cấp thất nghiệp;
– Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động;
– Hỗ trợ học nghề;
– Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm;
– Đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng trợ cấp thất nghiệp;
– Chi phí quản lý BHTN thực hiện theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội;
– Đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng Quỹ.
Những điều cần chuẩn bị để được hưởng hỗ trợ
Thông tin về quá trình tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp của bản thân; Tài khoản ngân hàng cá nhân… là những nội dung người lao động (NLĐ) cần chuẩn bị khi đến cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) nhận hỗ trợ từ Quỹ BHTN.
Cách tra cứu thời gian tham gia BHTN
Thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ, từ ngày 01/10/2021, cơ quan BHXH trên toàn quốc sẽ triển khai chính sách hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo BHTN.
Để đảm bảo việc chi trả chính sách hỗ trợ đến tay NLĐ một cách nhanh chóng, chính xác, BHXH Việt Nam khuyến nghị NLĐ nên chuẩn bị thông tin về quá trình tham gia BHTN chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp của bản thân để cùng rà soát, đối chiếu với dữ liệu của cơ quan BHXH, giúp xác định đúng mức hỗ trợ của mình.
Theo đó, NLĐ có thể tra cứu thời gian tham gia BHTN của mình qua: Sổ BHXH; Ứng dụng VssID – Bảo hiểm xã hội số trên điện thoại thông minh. Hoặc NLĐ có thể truy cập Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam. Ngoài ra, NLĐ có thể soạn tin nhắn theo cú pháp: BH QT mã số BHXH gửi 8079. Từ quá trình tham gia BHTN chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp của mình, NLĐ có thể biết được mức hỗ theo bảng dưới đây:
STT | Người lao động có thời gian tham gia BHTN chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp | Số tiền được hỗ trợ 1 lần |
1 | Dưới 12 tháng | 1.800.000đ/ người |
2 | Từ 12 tháng đến dưới 60 tháng | 2.100.000đ/ người |
3 | Đủ 60 tháng đến dưới 84 tháng | 2.400.000đ/ người |
4 | Đủ 84 tháng đến dưới 108 tháng | 2.650.000đ/ người |
5 | Đủ 108 tháng đến dưới 132 tháng | 2.900.000đ/ người |
6 | Đủ 132 tháng trở lên | 3.300.000đ/ người |
Cần chuẩn bị 1 tài khoản ngân hàng
Bên cạnh đó, NLĐ nên chuẩn bị một tài khoản ngân hàng cá nhân để nhận tiền hỗ trợ được nhanh chóng, thuận tiện nhất.
Với NLĐ đã có tài khoản ngân hàng cá nhân, thông tin cần cung cấp để nhận hỗ trợ là: Tên Ngân hàng mở tài khoản; Số tài khoản ngân hàng; Số Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân được dùng để mở tài khoản ngân hàng.
Với NLĐ chưa có tài khoản ngân hàng, BHXH Việt Nam khuyến nghị NLĐ nên mở tài khoản ngân hàng cá nhân để việc nhận hỗ trợ được nhanh chóng và chính xác nhất.
Hiện nay, việc mở tài khoản ngân hàng cá nhân đã rất thuận tiện. Nhiều ngân hàng đã có dịch vụ mở tài khoản trực tuyến. NLĐ chỉ cần có điện thoại thông minh, máy tính hoặc laptop và đường truyền Internet là có thể thực hiện được dịch vụ này. Ngoài chuẩn bị các nội dung trên, NLĐ chuẩn bị một số điện thoại để cung cấp cho cơ quan BHXH giúp thuận tiện cho việc liên hệ giữa cơ quan BHXH và NLĐ trong trường hợp cần thiết.