Các cửa hàng điện máy đang phải lo âu trước vấn nạn tồn hàng. Sau 4 tháng ngưng hoạt động, hàng hóa của các cửa hàng đồ điện tử, gia dụng đang tồn kho. Điều đáng lo ngại nhất chính là các lô hàng model mới sẽ về sớm. Khi đó những mặt hàng có mẫu mã cũ sẽ cực kỳ khó bán. Thế nên đa số các cửa hàng đang có chương trình sale sau dịch cực hấp dẫn. Tuy nhiên dù đã giảm giá mạnh nhưng vẫn thiếu vắng người tiêu dùng. Có thể một phần do nền kinh tế chưa hồi phục kịp thời. Người tiêu dùng vẫn phải chi tiêu cho nhiều thứ thiết yếu khác. Nếu tình hình kéo dài thì các doanh nghiệp kinh doanh sẽ lâm vào cảnh nguy kịch.
Mục Lục
Lượng hàng điện máy tồn kho đang quá tải
Sau thời gian thiếu hụt sản phẩm do không đủ nguồn cung linh kiện toàn cầu, mặt hàng điện máy đã tăng tồn kho trở lại với mức gấp 3-4 lần bình thường. Từ đầu tháng 10, các hệ thống siêu thị, trung tâm điện máy tại TP HCM được mở cửa trở lại nhưng lượng khách tìm đến để tham quan, mua sắm vẫn rất ít. Với nguồn cung khá dồi dào, chủ yếu là hàng tồn kho, các nhà bán lẻ và hãng điện máy đồng loạt triển khai chương trình ưu đãi, giảm giá để kéo khách.
Các cửa hàng điện máy đồng loạt sale mạnh
Đại diện Siêu thị Điện máy Chợ Lớn cho biết hệ thống đã chuẩn bị nguồn hàng lên đến hàng trăm ngàn sản phẩm. Tổng trị giá khoảng 500 tỉ đồng. Chương trình “Lễ hội giải phóng hàng tồn giảm giá lịch sử” của hệ thống này đưa ra nhiều mức giảm giá. Lớn nhất lên đến trên 60%/sản phẩm. Cụ thể, tivi Samsung 4K 85 inch giảm giá 64% còn 36,3 triệu đồng; phiên bản 55 inch giảm 47% còn 15,8 triệu đồng. Tủ lạnh, tủ đông giảm giá đến 35%; máy lạnh giảm giá hơn 40%.
Tại Trung tâm Điện máy Thiên Hòa, bà Võ Thị Hoàng Oanh, Giám đốc marketing; thông tin lượng nguồn hàng trên toàn hệ thống hiện đạt khoảng 10 tỉ đồng. Hầu hết đều được giảm giá lên đến 50%. Còn tại hệ thống Điện máy Xanh, chương trình ưu đãi “Mừng hết giãn cách”. Họ tung ra hàng loạt sản phẩm từ máy lạnh, tivi, máy giặt. Thậm chí đến các loại đồ điện gia dụng khác cũng giảm giá. Với mức giảm giá từ 5%-60%.
Không riêng hệ thống bán lẻ, các hãng điện máy cũng tích cực triển khai nhiều chương trình ưu đãi. Nhằm kích cầu, giải phóng hàng tồn. Trong đó, Panasonic, LG, Samsung, Sony giảm giá từ 20%-40% trên nhiều sản phẩm.
Mối lo ngại đối với các cửa hàng điện máy
Hiện tại các doanh nghiệp kinh doanh điện máy đang phải đối diện với nhiều mối lo ngại. Cụ thể như:
Mặt hàng mới sẽ sớm ra mắt
Một trong những lý do khiến các hãng và hệ thống bán lẻ chấp nhận tung sản phẩm với giá giảm sâu ra thị trường sau một thời gian khá dài không có doanh thu là bởi chỉ ít tháng nữa, các mẫu sản phẩm mới sẽ ra mắt. Theo ông Trương Quang Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Phân phối điện máy điện tử Hoàng Thông, nếu không giảm giá mạnh để giải phóng hàng tồn, khi mẫu mới ra mắt vào cuối năm nay, nhà bán lẻ sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
“Sau 10 ngày giảm giá mạnh các sản phẩm để thăm dò thị trường, sức mua tại các hệ thống bán lẻ vẫn rất èo uột. Nhiều khả năng các nhà phân phối sẽ phải tiếp tục đưa ra nhiều chương trình ưu đãi lớn hơn nữa để kéo khách” – ông Thanh dự báo.
Hồi phục kinh tế không kịp thời
Ông Vũ Dương Ngọc Duy, Tổng Giám đốc Công ty CP Viettronics Tân Bình, cho biết nguồn hàng điện máy trên thị trường và ở kho của các nhà nhập khẩu đủ phục vụ nhu cầu tiêu thụ đến cuối năm nay, thậm chí tới năm sau. Nguyên nhân là bởi TP HCM vừa trải qua giai đoạn giãn cách xã hội kéo dài khoảng 4 tháng khiến mọi hoạt động kinh doanh đóng băng; nhiều tỉnh, thành khác cũng ghi nhận sức mua giảm sút trong bối cảnh lưu thông khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.
“Dù đã được buôn bán trở lại nhưng nhà bán lẻ và nhà sản xuất đều khó có thể đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn vì mặt hàng điện máy không được người tiêu dùng xếp vào nhóm ưu tiên mua sắm. Nhiều gia đình chọn giải pháp sửa chữa đồ dùng thay vì mua mới. Thị trường điện máy chỉ còn hy vọng vào tháng cuối năm khi người tiêu dùng có nhu cầu sắm Tết” – ông Duy nêu thực tế.
Vấn nạn “ôm hàng”
Nhiều nhà bán lẻ rơi vào tình trạng dở khóc dở cười khi vừa lỡ nhập số lượng lớn hàng để “phòng hờ” nguy cơ sản phẩm điện máy khan hiếm do thiếu nguồn linh kiện toàn cầu thì một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội khiến tồn kho lớn chưa từng thấy, gấp khoảng 3-4 lần so với bình thường. Tương tự, tồn kho ở các hãng cũng rất lớn nhưng chưa thể “rót” hàng xuống đại lý vì lo ngại sẽ đẩy lượng tồn kho ở khâu phân phối lên cao và đại lý gặp khó khăn trong thanh toán.
Hàng loạt doanh nghiệp thua lỗ
Ông Nguyễn Quang Đức, Giám đốc Marketing của chuỗi siêu thị điện máy Pico, nhận xét; Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Từ đầu 5/2021, sản phẩm điện máy các loại tiêu thụ rất chậm. Thậm chí giá giảm mạnh mà vẫn không có khách mua. Doanh số sụt giảm mạnh nhất thuộc về mặt hàng tivi, dù giá giảm sâu vẫn ế ẩm.
Đến khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, các siêu thị điện máy đã phải đóng cửa. Chỉ còn hoạt động tại một số tỉnh. Vì vậy, doanh số bán hàng càng sụt giảm mạnh bởi Hà Nội là thị trường lớn, có doanh số bán lớn nhất. Trước đây doanh số bán của cả hệ thống lên đến hàng trăm tỷ đồng mỗi tháng. Nay chỉ còn chưa đầy 30%.
Hàng tồn kho tăng nhưng không thể chuyển về các tỉnh, nơi siêu thị điện máy vẫn hoạt động vì không thuộc “luồng xanh”, không được ra khỏi Hà Nội. Một số mặt hàng gia dụng khách vẫn có nhu cầu như: laptop, điều hòa, tủ lạnh, tủ đông, máy làm bánh, xay thịt,… nhưng đơn hàng online lại vướng khâu vận chuyển do thiếu lực lượng chuyên chở và lắp đặt, nên không giao hàng được.
Hầu hết người lao động đang phải nghỉ việc không lương. Ở một số địa phương, siêu thị vẫn được mở thì cũng phải cắt giảm bớt nhân lực bởi vắng khách và doanh số sụt giảm.
Các cửa hàng điện máy triển khai kích cầu
Nguồn cung máy tính xách tay (laptop) chỉ dồi dào ở phân khúc giá cao từ 20 triệu đồng đến trên 30 triệu đồng/máy; còn phân khúc dưới 10 triệu đồng/máy đang khan hiếm trầm trọng. Do tồn kho rơi vào phân khúc kén khách nên thị trường laptop hiện cũng khá trầm lắng, buộc các hệ thống bán lẻ phải giảm giá để kích cầu.
Cụ thể, với chương trình giảm giá từ 5%-13%, giá bán laptop Dell Vostro 5581 tại Trung tâm Điện máy Thiên Hòa còn 16 triệu đồng/chiếc; Asus S330FN có giá 17,3 triệu đồng/chiếc; Acer Aspire3 có giá 15 triệu đồng/chiếc. Tại hệ thống Điện Máy Xanh, MacBook Air M1 giảm 500.000 đồng còn 27,5 triệu đồng/chiếc; Lenovo Yoga7 giảm 500.000 đồng còn 28,5 triệu đồng/chiếc; Asus TUF giảm 700.000 đồng còn 32,5 triệu đồng/chiếc. Siêu thị Điện máy Nguyễn Kim bán laptop Fujitsu UH-XI7 với giá 32,9 triệu đồng/chiếc sau khi giảm 6%; Dell Vostro giảm 3% còn 22 triệu đồng/chiếc…